Khéo ăn nói sẽ có được thiên hạ là một cuốn sách giúp bạn rèn luyện kỹ năng giao tiếp. Đặc biệt, trong phần hai, tác giả Trác Nhã cung cấp 7 bí quyết tạo không khí thoải mái giữa ứng viên với nhà tuyển dụng nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả. Những ai sắp phỏng vấn đều nên rút kinh nghiệm qua 7 bài học này.
Bài học 1. Bắt đầu với lời giới thiệu khéo léo
Trong bất kỳ trường hợp giao tiếp nào, ấn tượng đầu tiên chính là yếu tố quan trọng làm người đối diện có suy nghĩ muốn tìm hiểu về bạn nhiều hơn hay không. Một phong thái chỉn chu, nghiêm túc, một lời chào hỏi phù hợp, tự tin giúp bạn lưu dấu ấn tượng đầu tiên đó đối với người phỏng vấn mình.
Số điểm đầu tiên của bạn trong bảng đánh giá ứng viên sẽ tăng lên nếu bạn biết cách đưa ra lời giới thiệu khéo léo. Nhưng như thế nào là khéo léo?
Trác Nhã nói rằng bạn phải chú ý tới chủ đề khi tự giới thiệu, tức chỉ nói những phần liên quan, trọng tâm. Một số thông tin nên đưa ra trong lời giới thiệu gồm: lời chào, lời cảm ơn, họ tên, tuổi tác, học lực, kinh nghiệm, năng lực làm việc. Đó là những gì nhà tuyển dụng quan tâm nhất khi chưa hiểu nhiều về bạn.

Đây là một ví dụ mẫu để bạn tham khảo: “Xin chào […], cảm ơn ông đã dành cho tôi cơ hội phỏng vấn, trước tiên tôi xin tự giới thiệu về mình. Tôi là […], chuyên ngành học của tôi là […]. Khi học ở trường, tôi đã từng […], có kinh nghiệm về […]. Đây là […bằng chứng…] tôi đã làm, mời ông xem qua.”
Một lưu ý quan trọng nữa là bạn nên thành thật và không sử dụng những từ ngữ khoa trương, sáo rỗng, chẳng hạn như: “Tôi rất thành thạo nghiệp vụ này”.
Bài học 2. Những điều làm bạn mất điểm với nhà tuyển dụng khi tự giới thiệu
Trác Nhã tổng kết một phần riêng về những điều cấm kỵ khi tự giới thiệu trong phỏng vấn xin việc, để bổ sung cho bài học đầu tiên phía trên.
Khoe khoang, màu mè, dài dòng như thế này: “Tôi đã trải qua một tuổi thơ dữ dội và thời niên thiếu nông nổi. Nhờ vậy, tôi đã hiểu thêm biết bao niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống. Và hôm nay, tôi có mặt tại đây để sẵn sàng cống hiến bản thân, góp phần xây dựng một tổ chức hùng mạnh…”
Cho đến những điều bạn quan tâm nhưng nhà tuyển dụng thì không như thế này: “Tôi rất thích ca hát, tôi còn thích nuôi vịt…”
Và những lời sáo rỗng như sau: “Tôi có khả năng giao tiếp tốt”, “Tôi chịu được áp lực công việc”, “Tôi quản lý thời gian rất hợp lý”,…
Những lời ngô nghê như vậy, bạn có thể nói trong một trường hợp vui vẻ khác, nhưng buổi phỏng vấn đòi hỏi một tinh thần chuyên nghiệp hơn. Nếu có thể sử dụng những con số, thành tích cụ thể bạn đã đạt được thì hãy đưa nó vào lời giới thiệu, điều này mới thực sự chứng tỏ năng lực của bạn, ghi điểm trong mắt người phỏng vấn.
Bài học 3. Những câu hỏi thường gặp trong buổi phỏng vấn và cách trả lời hợp lý
Mỗi công ty, mỗi người phỏng vấn sẽ có bộ câu hỏi phỏng vấn riêng của họ để đánh giá cả năng lực chuyên môn lẫn năng lực bổ trợ của mỗi ứng viên. Nhưng vẫn có một số câu hỏi phổ biến, chẳng hạn như:
– Bạn muốn có sự nghiệp riêng không?
– Bạn có kinh nghiệm gì không?
– Bạn hài lòng và không hài lòng điểm gì ở mình nhất?
– Nếu vị trí công việc có sự thay đổi thì bạn có đồng ý làm không?
– Nếu một công ty khác cũng nhận bạn vào làm, bạn sẽ chọn lựa thế nào?

Những câu hỏi trên đôi lúc sẽ khiến ứng viên phải ngắc ngứ không biết phản hồi thế nào mới hợp lòng nhà tuyển dụng. Trong cuốn sách, tác giả đã cụ thể từng câu trả lời cho từng câu hỏi đó. Bạn nên đọc phần này, dựa vào đó để soạn lại câu trả lời của mình.
Link đọc toàn bộ nội dung sách Khéo ăn nói sẽ có được thiên hạ: https://drive.google.com/file/d/1nkTz_SHXaTwnqu1tQy0WqpuQcfL4F0Qc/view?usp=sharing
Bài học 4. Bí quyết trả lời câu hỏi đưa ra nếu bạn là người nhảy việc
Nếu bạn là chủ một doanh nghiệp, bạn có muốn nhân viên của mình suốt ngày cứ tơ tưởng đến công ty khác và tìm cơ hội nhảy việc không? Trong phần kinh nghiệm làm việc ở CV của bạn, sẽ có phần thời gian làm việc ở mỗi nơi bạn từng làm trước đây.
Dựa vào phần này, người phỏng vấn có thể sẽ đặt ra cho bạn một số câu hỏi về việc chuyển đổi môi trường làm việc của bạn. Bởi, nhà tuyển dụng thường có xu hướng đánh giá cao những ứng viên muốn gắn bó lâu dài với công ty mình.
Bạn tỏ thái độ không hài lòng về sếp cũ, về đồng nghiệp cũ, về áp lực công việc, về thu nhập thấp, đãi ngộ công ty cũ không tốt,… để chứng minh quyết định nhảy việc của bạn là đúng đắn. Điều này là một sai lầm giết chết cơ hội tham gia vào môi trường làm việc mới của bạn.
Con người không hoàn hảo, bạn nói xấu sếp cũ được, hẳn bạn sẽ nói xấu sếp mới. Áp lục công việc quá lớn chứng tỏ bạn thiếu khả năng thích ứng. Thu nhập thấp, vậy nếu có công ty khác thu nhập cao hơn, bạn sẽ tiếp tục nhảy việc. Mối quan hệ với đồng nghiệp cũ có vấn đề, chứng tỏ bạn kém trong khoản làm việc tập thể. Đó là suy nghĩ của nhà tuyển dụng nếu bạn trả lời “thẳng thắn” như trên.
Bài học 5. Ứng viên nữ ứng phó với những câu hỏi nhạy cảm
Vì cơ chế sinh học tự nhiên ở giới tính nữ như thế chất, tính cách, kết hôn-mang thai-sinh con,… cho tới tính chất của từng công việc, các ứng viên nữ, đặc biệt những ai ở độ tuổi 26-27 trở lên khi đến buổi phỏng vấn thường sẽ bị hỏi những vấn đề nhạy cảm về đời sống cá nhân. Chúng ta không thể trách nhà tuyển dụng không thông cảm cho mình, bởi họ chỉ muốn đảm bảo công việc diễn ra trơn tru, hiệu quả.
Nếu không thể né tránh, bạn phải ăn nói linh hoạt sao cho vừa đúng ý nhà tuyển dụng, vừa đúng ý mình. Khéo ăn nói sẽ có được thiên hạ sẽ chỉ dẫn bạn cách trả lời chúng mà không lâm vào trạng thái bối rối.
Bài học 6. Những điều nên giữ bí mật trong buổi phỏng vấn
Một vài ứng viên khi vào phòng phỏng vấn vì quá thật thà nên khi được hỏi một số vấn đề riêng tư thì không suy nghĩ nhiều mà nói ngay. Thậm chí còn có trường hợp “chưa đánh đã khai”. Tuy nhiên, đã gọi là vấn đề riêng tư thì bạn có quyền tiết lộ hoặc từ chối trả lời một cách uyển chuyển, chẳng hạn như bí mật của công ty cũ, vấn đề gia đình, con cái, sự oán trách/ghét bỏ một vấn đề nào đó, khoe khoang mối quan hệ của bản thân,…
Bài học 7. Cách nói chuyện lương thưởng để vui vẻ cả hai bên
Lương thưởng là một yếu tố quan trọng. Người lao động cần nó để phục vụ cho cuộc sống của mình. Nhưng khi bạn yêu cầu lương quá cao sẽ khó được chấp nhận, còn chấp nhận mức lương thấp, bạn sẽ tự cảm thấy thiệt thòi.
Cuốn sách đưa ra 4 bước giúp bạn khéo léo đàm phán lương trong phỏng vấn xin việc. Đó là các bước: Tìm hiểu mức lương trung bình, Chủ động nêu mức lương mình muốn, Làm rõ khoản tiền lương và Tìm hiểu thêm về chế độ trợ cấp, phúc lợi của công ty. Bạn có thể đọc phần này nếu lo ngại về buổi phỏng vấn tiếp theo của mình khi nói chuyện tiền lương.

Ngoài 7 bài học để có một buổi interview chất lượng trên, Khéo ăn nói sẽ có được thiên hạ còn có các phần khác về kỹ năng giao tiếp với nhiều đối tượng trong công việc nói riêng và cuộc sống nói chung. Đây là một trong những sách kỹ năng bạn nên đọc. Trở thành người khéo léo chứ không lươn lẹo.
Link đọc toàn bộ sách: https://drive.google.com/file/d/1nkTz_SHXaTwnqu1tQy0WqpuQcfL4F0Qc/view?usp=sharing
Lá Đa