Khéo ăn khéo nói sẽ có được thiên hạ: Nên tin hay không?

0Shares

Khéo ăn khéo nói sẽ có được thiên hạ – Cụm từ này là tên một cuốn sách nổi tiếng về giao tiếp. Cuốn sách này chứa đựng những bài học gì về giao tiếp mà có thể khiến bạn thắng được giang sơn. Liệu chúng ta có đồng ý với những lý giải của tác giả hay đó chỉ đơn thuần là một cái tên sách với chiêu trò lôi kéo sự chú ý.

Nội dung

Tầm quan trọng của giao tiếp trong xã hội

kheo-an-kheo-noi-se-co-duoc-thien-ha 1jpg
Khéo ăn khéo nói sẽ có được thiên hạ, câu nói muôn đời vẫn đúng

Giao tiếp là một hành động chia sẻ thông tin, truyền tải suy nghĩ, ý kiến, biểu đạt cảm nhận của một người này đến một hay một nhóm người khác thông qua lời nói, ngôn ngữ hình thể. 

Từ xưa, ông bà ta đã có câu thành ngữ đúc kết tầm quan trọng của giao tiếp, đó là “Lời nói, gói vàng”. Mỗi một câu chúng ta phát ngôn đều bộc lộ giá trị con người chúng ta. Thông qua lời nói, mọi người sẽ đánh giá năng lực, trí tuệ, phẩm chất của người nói.

Ngày nay, chúng ta đang sống trong một thế giới mở, nơi đề cao sức mạnh tập thể. Chúng ta không thể một mình gây dựng cơ đồ nếu không thiết lập và vận hành được các mối quan hệ xã hội. 

Tỷ phú Warren Buffett phát biểu: “Thành công trong cuộc sống sẽ nhân lên gấp bội phần khi bạn biết cách giao tiếp với người khác tốt hơn”. 

Trừ khi bạn muốn tự cô lập chính mình, nếu không bạn nhất định phải rèn luyện kỹ năng giao tiếp và hơn nữa là kỹ năng giao tiếp uyển chuyển, khéo léo. Biết cách ăn nói, bạn sẽ thể hiện được năng lực của mình và thúc đẩy cảm tình của mọi người dành cho bạn, giúp bạn thăng tiến và thành công trong sự nghiệp, làm hài hòa các mối quan hệ cá nhân.

Những biểu hiện của việc giao tiếp kém

Giao tiếp kém khiến bạn mất đi nhiều cơ hội
Giao tiếp kém khiến bạn mất đi nhiều cơ hội

Một người không giỏi ăn nói sẽ có những biểu hiện sau đây:

  • Nói quá nhiều hoặc nói quá ít: Khi được người khác hỏi, bạn chỉ thao thao bất tuyệt về mình, lời nói sáo rỗng hoặc chẳng biết nói gì, ngắc ngứ cười trừ, lảng tránh vấn đề
  • Không dám nhìn vào mắt đối phương khi nói chuyện
  • Sợ bị điểm danh, sợ phải bày tỏ ý kiến cá nhân giữa tập thể, sợ thuyết trình
  • Cả nể, không dám từ chối mọi người, ai nhờ việc gì cũng làm dù trong lòng gào thét “Tôi không muốn”
  • Người khác nhờ mình thì được, còn mình không dám mở lời làm phiền người ta
  • Đối với người lạ thì im như hến, đối với người quen nói không hết chuyện
  • Lan man, lủng củng, cứng ngắc trong lời nói
  • Không biết cách lắng nghe, tiếp lời và gợi mở câu chuyện, thường bị chê nhạt nhẽo
  • Dễ làm mất lòng người khác

Thật ra những biểu hiện trên một phần là do tính cách và thói quen hình thành từ nhỏ. Nhưng kỹ năng giao tiếp vẫn có thể được cải thiện dần. Không ai sinh ra đã giỏi ăn nói, chỉ là có những người may mắn hơn bạn khi họ sống trong một môi trường giúp họ nuôi dưỡng sự tự tin, thực hành nói nhiều. Song song đó, họ cũng tự trau dồi thêm mỗi ngày.

Một số ví dụ về việc “Khéo ăn khéo nói sẽ có được thiên hạ

Cổ nhân Đông Tây đã sớm xuất hiện những bậc kỳ tài về ăn nói, mà nhờ đó họ đã làm nên đại nghiệp.

Chẳng hạn thời Chiến Quốc Trung Quốc, Trương Nghi nhờ mưu lược ngoại giao và biệt tài ăn nói khéo léo của mình đã từng bước trở thành thừa tướng nước Tần. Vua Tần trọng dụng giao Trương Nghi lên đường du thuyết, cuối cùng Nghi khiến vương nước khác phải nghe theo răm rắp, phá vỡ kế liên thủ sáu nước, giúp nhà Tần hóa giải nguy nan.

Hán Cao Tổ Lưu Bang đánh bại Hạng Vũ, một lần nữa thống nhất giang sơn và mở ra thời kỳ nhà Hán hoàng kim kéo dài 400 năm vì ông vừa là người giỏi ăn nói vừa dám làm những gì mình nói.

Ở Việt Nam, Mạc Đĩnh Chi nhờ tài năng đối đáp khéo léo mà trở thành Lưỡng quốc trạng nguyên.

Dale Carnegie được coi là bậc thầy của nghệ thuật giao tiếp. Ông cũng là tác giả cuốn sách Đắc Nhân Tâm nổi tiếng về cách cư xử thu phục lòng người.

Còn ngày nay, nếu bạn xem các cuộc thi hoa hậu, vòng cuối cùng luôn là vòng ứng xử. Ở cuộc thi Hoa hậu Hòa bình thế giới năm 2021, Nguyễn Thúc Thùy Tiên đã đăng quang ngôi vị cao nhất và mang về vinh quang cho đất nước nhờ tài ăn nói của cô dù sắc vóc cô không bằng các đại diện đến từ châu Mỹ-Latinh. Những ví dụ trên cho thấy việc Khéo ăn khéo nói sẽ có được thiên hạ là sự thật. Nói cách khác, bạn phải biết cách giao tiếp để thu phục nhân tâm. Cuốn sách sau đây sẽ giúp bạn làm điều đó.

Cuốn sách này sẽ giúp bạn cải thiện kỹ năng giao tiếp của mình

Trang bìa cuốn sách Khéo ăn khéo nói sẽ có được thiên hạ
Trang bìa cuốn sách Khéo ăn khéo nói sẽ có được thiên hạ

Khéo ăn nói sẽ có được thiên hạ là một tựa sách được viết bởi tác giả Trác Nhã – một nhà tâm lý học Trung Quốc. Nội dung sách chia làm 3 phần chính và tổng 20 chương với mục đích cải thiện kỹ năng ăn nói của bạn, để bạn trở nên tinh tế hơn trong cách đối nhân xử thế.

Phần 1. Dám nói chuyện – Nắm vững kỹ năng giao tiếp 

Phần 1 Khéo ăn khéo nói sẽ có được thiên hạ gồm 6 chương với 6 quy tắc “sơ sinh” về giao tiếp, bao gồm:

  1. Dũng cảm mở lời, dám nói mới biết cách nói

Bạn là người ngại nói và sợ lời mình nói ra bị người khác chê cười. Nhưng giống như bất cứ kỹ năng nào khác, muốn đọc nhanh bạn phải đọc nhiều, muốn viết tốt bạn phải viết hằng ngày thì muốn giao tiếp tốt, đầu tiên bạn phải dám nói ra điều mình suy nghĩ. Đừng để âm thanh chỉ tới ngang cổ họng rồi lại âm thầm nuốt xuống. Không ai mới bắt đầu đã làm tốt ngay, bạn phải khắc phục chướng ngại tâm lý của mình. Vạn sự khởi đầu nan, chỉ cần vượt qua sự e dè ban đầu, con đường chinh phục kỹ năng giao tiếp về sau cũng dễ hơn.

  • Đọc nhiều – Đi nhiều, tích lũy kiến thức giao tiếp

Hãy thu lượm, cập nhật những kiến thức hay ho cho bản thân vì điều đó sẽ giúp bạn tránh “bí” khi không biết nói gì. Bên cạnh đó, kiến thức là một vũ khí lợi hại làm nâng cao sự tự tin cho một người. Tạo thói quen đọc sách và trải nghiệm phong phú là hai phương pháp giúp bạn tích lũy tri thức.

  • “Bắt bệnh” để làm chủ cuộc giao tiếp

Khi nói chuyện với mọi người, bạn nên học cách tự giới thiệu bản thân thật hay. Lúc đó, ấn tượng người khác dành cho bạn cũng sâu sắc hơn. Và khi trò chuyện, tốt nhất bạn nên có một thái độ chân thành đúng mực, biết cách lắng nghe những điều mọi người chia sẻ cũng như biết cách đặt câu hỏi để cuộc trò chuyện không rơi vào bế tắc.

  • Nắm vững chừng mực trong giao tiếp

Nếu bạn lỡ phát ngôn một điều sai hoặc rơi vào một tình huống khó xử, bạn nên giữ bình tĩnh và tìm cách ăn nói khéo léo để gỡ rối vấn đề, hóa giải lúng túng, tránh việc làm cả bạn và mọi người xấu hổ, căng thẳng. Bên cạnh đó, bạn nên học những kỹ thuật nắm bắt tâm lý và ứng biến linh hoạt, làm chủ cuộc giao tiếp.

  • Khen nhiều chê ít, tránh để lời nói làm hại đến thân

Lời nói chẳng mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Không ai thích bị chê cả. Những lời khen trong cuộc trò chuyện làm mọi người cảm thấy vui vẻ và thả lỏng hơn. Tuy nhiên, khen như thế nào cũng cần phải học. Lời khen phải phù hợp với từng đối tượng giao tiếp. Bạn nên khen hoặc khích lệ người khác một cách chân thành, tránh việc khen cho có, khen theo công thức và biến khen thành một kiểu a dua, nịnh bợ.

  • Thêm gia vị hài hước cho giao tiếp

Nở một nụ cười tươi và thêm thắt những câu chuyện thú vị hài hước sẽ kéo khoảng cách giữa mọi người lại gần nhau hơn. Tuy nhiên, bạn cần chú ý tới địa vị đối tượng giao tiếp của mình, tính cách của người đó và hoàn cảnh xung quanh. Chẳng hạn, sẽ thật bất nhã nếu cười đùa khi người khác đang kể lại chuyện buồn của họ. Trong khi đó, bạn có thể sốc lại tinh thần ảm đạm của các thành viên trong nhóm bằng những từ ngữ vui vẻ, lạc quan.

Phần 2. Kỹ năng giao tiếp với mỗi hoàn cảnh và đối tượng khác nhau

Phần 2 Khéo ăn khéo nói sẽ có được thiên hạ nêu lên 8 quy tắc tiếp theo trong việc giao tiếp, nắm vững những quy tắc này, bạn đã trang bị cho mình một bộ công cụ để phát triển trong sự nghiệp.

  • Kỹ năng giao tiếp với mỗi hoàn cảnh và đối tượng khác nhau

Trác Nhã đưa ra những ví dụ cụ thể về phỏng vấn xin việc và gợi ý những câu giới thiệu bản thân phù hợp, giúp bạn tránh tình trạng cố ý khoe khoang hay ba hoa về mình. Một số chỉ dẫn về thỏa thuận lương thưởng như thế nào cho hợp lý cũng được hướng dẫn, tránh cuộc phỏng vấn thất bại.

  • Cách giao tiếp với lãnh đạo để giành cơ hội phát triển nghề nghiệp

Các vị lãnh đạo là những người có quyền đánh giá và cất nhắc bạn. Cơ hội của bạn có rộng mở hay không cũng phụ thuộc vào cấp trên của mình. Tuy nhiên, phải làm sao để giao tiếp khéo léo với các trưởng nhóm, giám đốc mà không bị gắn mác hối lộ, nịnh nọt lấy lòng hay khiến cho đôi bên khó xử là một việc rất khó.

  • Chốn công sở nhiều thị phi, biết cách ăn nói rất quan trọng

Giữa các đồng nghiệp với nhau có thể vừa tồn tại sự hợp tác cùng có lợi, vừa tồn tại sự ganh đua đố kỵ. Chốn công sở vốn phức tạp, bạn nên học cách ăn nói khéo léo và giữ chừng mực để tránh làm mất lòng mọi người, cũng như tránh để người khác nắm được điểm yếu của mình.

  • Khéo ăn nói trong nghệ thuật bán hàng

Thương trường là chiến trường, công ty này cạnh tranh với doanh nghiệp khác, phòng ban này cạnh tranh với phòng ban khác, anh nhân viên bán hàng này xem mình có đạt chỉ tiêu doanh số so với cô tiếp thị kia không. Một nhân viên có tài ứng đối sẽ có thành tích bán hàng cao hơn những nhân viên chỉ biết làm theo công thức. Đồng thời, kỹ năng giao tiếp tốt cũng mở rộng mối quan hệ với các khách hàng, đem lại lợi nhuận cho công ty.

  • Rèn luyện tài đàm phán, luôn nắm chắc phần thắng

Đàm phán là một cuộc đấu trí giữa hai bên. Nắm vững những kỹ thuật thương thuyết để giành nhiều lợi ích nhất có thể về phía mình. Tạo bầu không khí hài hòa; sử dụng lời nói và biểu cảm lúc sắc sảo quyết liệt, lúc mềm mỏng, hài hước; đồng tình và đáp trả khéo léo, đúng lúc; nắm bắt trọng tâm cuộc đàm phán là những bí quyết để giành phần thắng.

  • Kỹ năng diễn thuyết sinh động

Làm sao để có một bài diễn văn chất lượng, cuốn hút mọi người từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc, khơi gợi sự tò mò của thính giả và xử lý những tình huống phát sinh bất ngờ là điều bạn nên học để tạo dấu ấn riêng cho mình, giúp buổi diễn thuyết suôn sẻ và thành công.

  • Nắm chắc kỹ năng ngôn ngữ giúp bạn hòa nhập buổi tiệc

Bạn không thể đến một buổi tiệc nào đó và trốn vào một góc không ai biết, nếu thế thì thà rằng không đến ngay từ đầu. Ở trong buổi tiệc, bạn phải biết bắt chuyện và giới thiệu bản thân với người khác, ghi dấu ấn để mọi người không thể quên bạn. Bạn cũng nên học một số quy tắc ứng xử khi đặt mình vào vị trí khách mời, vị trí chủ buổi tiệc, khéo léo giao tiếp với nhiều người ở các độ tuổi và giới tính khác nhau.

  • Những lời nói ngọt ngào trong tình yêu

Nửa kia cũng là một đối tác của bạn. Trong tình yêu, những lời nói ngọt ngào giúp tăng độ hảo cảm, nó như chất xúc tác làm tình yêu thăng hoa hơn. Nhưng không phải ai cũng biết cách nói sao cho khéo, đặc biệt là khi muốn từ chối người mình yêu, làm không tốt sẽ khiến đối phương giận dỗi và cả hai rơi vào trạng thái khó xử. Bạn cũng không thể nghĩ rằng đó đã là người quen thuộc nên nói sao cũng được, đôi khi chỉ một lời nói cũng giết chết một mối tình.

Phần 3. Nói năng khéo léo trong những tình huống khó xử

Đây là cấp độ cao cấp trong giao tiếp. Trong cuộc sống, không thể có chuyện mọi việc luôn diễn ra thuận lợi. Có những lúc bạn lâm vào tình trạng “tiến không được, lùi không xong”. Lúc này, những bí quyết hóa giải trạng thái đó vô cùng cần thiết, tránh được việc hiểu lầm hoặc đánh mất mối quan hệ. Phần 3 gồm 6 quy tắc dưới đây giúp bạn trong việc Khéo ăn khéo nói sẽ có được thiên hạ:

  • Từ chối khéo léo để không làm mất lòng người khác

Mọi người thường có tư tưởng giúp đỡ lẫn nhau, “lá lành đùm lá rách”. Bạn nhận lời giúp người khác trong khi chính bản thân mình vẫn còn hàng tá những vấn đề chưa giải quyết xong. Bạn trở nên mệt mỏi và áp lực hơn. Đó là vì bạn sợ gây tổn hại tình cảm giữa mình và đối phương. Từ chối cũng là một kỹ năng phải học để tránh thói cả nể.

  • Khéo ăn nói khi nhờ người khác giúp đỡ

Có một số việc dù bạn có giỏi đến đâu vẫn phải nhờ sự giúp đỡ từ người khác. Bạn cần học cách mở lời nhờ vả mà mọi người vẫn vui vẻ hỗ trợ bạn, không nên để sự miễn cưỡng dẫn tới không vui.

  • Nghệ thuật thuyết phục

Thuyết phục là làm người khác tin vào những gì mình tin và hành động theo mình. Để thay đổi được nhận thức và hành vi của mọi người, bạn nên đặt mình vào vị trí của họ và sử dụng những bí quyết về ngôn ngữ một cách hợp lý.

  • Con người khó tránh việc mắc lỗi, cần thành khẩn khi xin lỗi

Khi mắc lỗi, thay vì ngụy biện rồi tìm cách đổ tội cho hoàn cảnh, bạn nên chấp nhận và thẳng thắn thừa nhận những điểm chưa đúng của bản thân. Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại, chủ động nhận lỗi và dám chịu trách nhiệm là việc một người trưởng thành nhất định sẽ làm.

  • Lời nói thật dễ nghe, khéo léo trong phê bình

Khi đưa ra lời nhận xét, phê bình, bạn cũng phải thật khéo léo để tránh làm tổn thương lòng tự trọng của người khác. Hãy đối xử với họ như cách bản thân ta muốn họ đối xử với mình. Bạn nên thận trọng trong ngôn từ, chọn thời điểm thích hợp, không phán xét hay so sánh mà chỉ góp ý thật lòng. Có như vậy, sau này khi có việc, họ sẽ vui vẻ nghĩ tới bạn đầu tiên.

  • Nghệ thuật an ủi làm ấm lòng người khác 

Một lời an ủi xuất phát từ đáy lòng cũng có sức mạnh sưởi ấm cho người khác khi họ gặp chuyện không may. Họ sẽ cảm thấy an tâm và thúc đẩy tinh thần lên cao hơn khi ở bên bạn. Rèn luyện một đôi tai biết lắng nghe cũng là một cách để bạn thể hiện sự đồng cảm.

Trước tiên hãy tin tưởng: “Khéo ăn khéo nói sẽ có được thiên hạ

Khéo ăn nói sẽ có được thiên hạ là một cuốn sách khá đầy đủ về các tình huống thường gặp trong đời sống. Tác giả tóm gọn 20 quy tắc của mình sau 20 chương. Khi đọc sách, bạn có thể thấy những ví dụ về cách hành xử đúng hoặc sai trong từng hoàn cảnh cụ thể, từ đó tác giả lý giải các bước giúp bạn nâng cao tài ăn nói.

Cuốn sách không thể đề cập đến tất cả vấn đề giao tiếp, vì trên đời có muôn hình vạn trạng kiểu trò chuyện và những tình huống xảy ra. Nhưng nếu bạn áp dụng được 20 quy tắc cơ bản này thì hiệu quả giao tiếp của bạn chắc chắn sẽ được nâng lên rõ rệt. Trên tất cả, thực hành vẫn là yếu tố quan trọng nhất quyết định thành công của bạn. Đừng chỉ đọc chữ trên giấy mà hãy biến chữ thành việc làm cụ thể, ban đầu có thể sai nhưng bạn sẽ rút ra kinh nghiệm cho lần tiếp theo.

Qua bài viết này, bạn đã tin vào nhận định Khéo ăn khéo nói sẽ có được thiên hạ chưa? Thật ra không có việc khó, bạn chỉ chưa đủ tin tưởng chính mình và vẫn tự giới hạn mình trong chiếc hộp mang tên “Tôi là kẻ yếu kém”. Hãy thay đổi niềm tin của mình và bắt tay vào hành trình chinh phục những thủ thuật giao tiếp này ngay thôi

Bạn có thể xem thêm các bài viết cùng chủ đề tại đây.

Link đặt sách Khéo ăn khéo nói sẽ có được thiên hạ tại đây.

Lá Đa

0Shares
0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận