Thói quen đọc sách là một trong những thói quen mà những người thành công hàng đầu trên thế giới khuyến khích mọi người nên tạo lập cho mình. Lợi ích của việc đọc sách không ai phủ nhận được. Tuy nhiên, nếu bạn đọc mãi mà chẳng tiến bộ như người ta thì có thể bạn đã mắc phải những sai lầm dưới đây
Nội dung bài viết
Một vài lợi ích của việc đọc sách
Những người giàu có nhất thế giới đều đọc rất nhiều sách: Bill Gates đọc 50 quyển sách/năm; Elon Musk đọc 10 tiếng/ngày từ khi còn là học sinh tiểu học; Richard Branson đọc vào lúc 5 giờ sáng, còn Mark Cuban cho rằng thành công trong sự nghiệp đầu đời của mình là nhờ việc học từ sách… Họ đều bận bịu với công việc nhưng luôn đầu tư và thúc đẩy văn hóa đọc.

Dù chúng ta – những người bình thường – có yêu thích sách hay không, có muốn giàu có hay không thì lợi ích của thói quen đọc sách vẫn luôn được khẳng định:
- Giúp bạn lĩnh hội nhiều kiến thức giá trị
- Giúp bạn giải trí, xoa dịu tâm hồn, tiến đến chân-thiện-mỹ
- Giúp kích thích não bộ, mở mang tư duy, làm bạn sáng tạo hơn
- Giúp bạn có cái nhìn đa chiều
- Giúp bạn tăng lòng tự trọng, bớt sự tự ái
- Giúp bạn phòng ngừa bệnh sa sút trí tuệ, trầm cảm
Chúng ta luôn tự hào là một đất nước ham học hỏi nhưng khi so sánh với các quốc gia khác, thời gian đọc sách trung bình và số lượng sách đọc của người Việt lại rất nhỏ: trung bình người Việt chỉ dành 1 giờ để đọc và chủ yếu là sách giáo khoa, thuộc nhóm thấp nhất trên thế giới (Theo báo Nhân Dân).
Vì vậy, rèn luyện thói quen đọc sách là một việc cấp bách để góp phần đưa tri thức người Việt “xứng đáng” với niềm tự hào dân tộc. Và đừng mắc những thói quen xấu dưới đây trong khi đọc để tránh lãng phí thời gian mà chẳng thu được gì.
Những thói quen đọc sách làm bạn mãi chẳng “nhúc nhích”
Đọc quá chậm hoặc quá nhanh
Đọc quá chậm nghĩa là đọc từng từ một. Điều này có thể cần thiết nếu bạn muốn cải thiện vốn từ vựng và ngữ pháp của mình cho sự nghiệp viết lách, nghiên cứu. Tuy nhiên, nó lại gây nên một sự nhàm chán cho bạn. Bác sĩ nhãn khoa Louis Émile Javal đã mô tả rằng chuyển động của mắt khi đọc liên quan đến việc xử lý hình ảnh của văn bản viết, nghĩa là mắt không di chuyển liên tục dọc theo một dòng văn bản, mà thực hiện các chuyển động ngắn, nhanh (đường cắt ngang) xen kẽ với các điểm dừng ngắn (định hình). Nói cách khác mắt và não chúng ta có thể xử lý một nhóm từ cùng một lúc. Vậy nên đọc chậm sẽ không khiến bạn dễ hiểu hơn mà nó còn khiến bạn mất tập trung và mất nhiều thời gian.
Ngược lại, khi bạn đọc quá nhanh, bạn sẽ dễ bỏ qua thông tin mình cần. Hệ lụy là bạn chẳng nhớ gì sau khi hoàn thành một cuốn sách.
Lời khuyên: Dùng ngón tay hoặc bút rà theo trang giấy. Nắm ý chính bằng cách luyện đọc từ khóa, phân biệt các từ trọng tâm và các từ bổ trợ.
Bị phân tâm khi đọc
Bạn đọc sách không hiệu quả có thể là do thói quen đọc sách xấu này. Mắt bạn dõi theo dòng chữ, miệng bạn lẩm nhẩm đọc theo nhưng não của bạn lại đang nghĩ về việc Tối nay ăn gì?, Ngày mai đi chơi mình mặc trang phục gì?, hay tưởng tượng cảnh Bạn cãi nhau với người yêu cho đến Làm sao mình xử lý xong mớ công việc sếp giao phó. Rồi thì điện thoại vang lên âm thanh tin nhắn, thông báo. Thật không may, tính đa nhiệm không thích hợp cho não bộ của con người (theo nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ). Bạn có thể bị suy giảm trí nhớ nếu tiếp tục mắc sai lầm này.
Lời khuyên: Chọn môi trường đọc phù hợp, tránh xa những tác nhân gây phiền nhiễu như điện thoại, máy tính. Nghe nhạc baroque khi đọc. Sử dụng phương pháp hẹn giờ đọc sách Pomodoro.
Bị quá tải thông tin khi đọc
Bạn không có kiến thức gì về cổ phiếu hay đầu tư nhưng lại đọc cuốn sách Phân tích chứng khoán dày cộp của Benjamin Graham & David L Dodd. Bạn quyết định đọc vì đó là cuốn sách kinh điển được Warren Buffett giới thiệu là cuốn sách gối đầu giường của ông.
Nhưng bạn quên mất khả năng đọc hiểu của một người trình độ cao với người mới bắt đầu thì khác xa nhau. Hệ lụy là bạn chẳng hiểu nổi những thuật ngữ trong sách vì nó quá cao siêu. Việc đọc sách giờ đây đối với bạn là cực hình. Điều đó làm bạn mất dần hứng thú đọc sách.
Lời khuyên: Bạn có thể đọc các bài review sách trước khi ngấu nghiến nó. Chọn sách phù hợp với năng lực của mình.
Trông mặt mà bắt hình dong
Thói quen đọc sách xấu này nghĩa là bạn đánh giá một cuốn sách qua cái bìa của nó. Bạn mua sách, tải sách vì trên bìa sách có dòng chữ “Best-seller” hoặc bạn bỏ qua một cuốn sách chỉ vì màu sắc chủ đạo của bìa là màu bạn ghét.
Một ví dụ điển hình như cuốn Đắc Nhân Tâm của Dale Carnegie, đã làm thay đổi hàng triệu người trên thế giới và được coi là cuốn sách bán chạy nhất. Nhưng vẫn có ý kiến cho rằng chỉ những người đã trải nghiệm nhiều thì đọc mới thấm, nó không thích hợp cho những “chú cừu non ngây thơ”.
Lời khuyên: Tham khảo các trang web và các bài đánh giá sách và nắm nội dung sơ lược của cuốn sách như goodreads hay sachnoigi.com.
Đọc chú thích sai cách
Chú thích thường được tác giả lồng ghép vào cuối trang sách theo số thứ tự để giải thích, bổ sung thông tin cần biết cho người đọc và tăng độ tin cậy cho những dẫn chứng mà tác giả đưa ra. Tuy nhiên, khi đọc tới một từ hay cụm từ mà bạn không biết, việc dừng lại và lia mắt đọc chú thích cuối trang có thể làm gián đoạn mạch cảm xúc và logic của đoạn văn chính. Bạn dễ quên mất mình đang đọc gì. Đây cũng là một trong những lý do khiến bạn khó tập trung và nắm bắt thông tin.
Lời khuyên: Đọc chú thích cũng là một cách tăng vốn hiểu biết của bản thân. Bạn nên đọc nó trước hoặc sau khi hoàn tất việc đọc đoạn văn chính.
Đọc phần kết trước
Đối với các thể loại sách văn học thường thức, bạn sẽ tò mò kết thúc của câu chuyện như thế nào. Càng tò mò, bạn càng dễ lật trang cuối sách để xem kết quả. Hoặc những cuốn sách có phần Tóm tắt chương, bạn chỉ đọc những phần này. Thói quen này khiến bạn có nguy cơ bỏ dở cuốn sách mình đang đọc, vì bạn biết kiểu gì thì kết chẳng như thế. Khi đó, bạn cũng có những kết luận phiến diện và qua loa về cuốn sách, bởi bạn đâu biết tác giả đã dẫn dắt và chứng minh nó thế nào.
Lời khuyên: Nên đọc theo thứ tự số trang và theo dõi diễn biến câu chuyện
Bỏ thì thương, vương thì tội
Thói quen đọc sách xấu này là của những người theo chủ nghĩa hoàn hảo. Họ cầu toàn đến mức dù cuốn sách này nêu lên những kiến thức mình đã biết, dù họ có thấy nó nhàm chán nhưng họ vẫn đọc từng từ cho hết, họ đọc mọi thứ.
Lời khuyên: Không phải cuốn sách nào cũng khai thác xuất sắc từng vấn đề một. Có những cuốn sách mà chỉ một vấn đề giá trị nhất được tác giả tập trung diễn giải. Hãy mạnh dạn bỏ qua những phần không cần thiết.
Bắt cá hai tay
Có quá nhiều thứ để đọc, do người này giới thiệu, người kia đề cử. Bên cạnh sách thì còn báo chí, tin tức… Mỗi năm lại có hàng triệu cuốn sách được xuất bản. Chúng ta thì lại có quá ít thời gian. Vì thế bạn quyết định đọc 3, 4 cuốn sách cùng một lúc. Điều này có thể bình thường với một số người có khả năng đọc hiểu và ghi nhớ tốt, những người đã hình thành một thói quen đọc trong thời gian dài, việc đọc đối với họ thật dễ dàng. Nhưng nếu bạn mới đọc sách và không tự tin vào trí nhớ của mình, thì việc “bắt cá hai tay” có khi lại chẳng ích lợi gì, vì bạn sẽ chẳng bắt được con cá nào vào “chiếc giỏ tri thức” của mình.
Lời khuyên: Đọc từng cuốn sách một, kiên quyết đọc xong cuốn này thì mới đọc cuốn sách khác.
Có mới nới cũ
Bạn đọc hết một quyển sách. Sau đó, bạn để nó phủ bụi nhân gian. Bạn tiếp tục cách đọc như thế với những cuốn sách mới. Bạn có biết rằng chỉ với một lần đọc thì bạn không thể ghi nhớ hết được các thông tin?. Lợi ích của việc đọc lại sách cũ bao gồm việc rà soát lại những thông tin bổ ích bạn vô tình bỏ lỡ trong lần đọc trước. Đọc lại sách cũng khiến bạn ghi nhớ tốt hơn vì kiến thức được lặp lại ngắt quãng và chuyển từ vùng ghi nhớ ngắn hạn sang vùng ghi nhớ dài hạn của não bộ.
Lời khuyên: Đọc một quyển sách nhiều hơn một lần.
Cưỡi ngựa xem hoa
Một thói quen đọc sách xấu nữa là việc bạn đọc sách với tâm lý “đọc cho có”, “đọc cho vui”, “người ta đọc thì mình đọc theo”, “đọc để giết thời gian” hay “vì bắt buộc nên mới đọc”. Khi mang tâm lý đối phó như trên, bạn hoàn toàn không có hứng thú với việc đọc, bạn lật vài trang cho xong chuyện, bạn không ghi chép lại bất cứ điều gì. Và dĩ nhiên, bạn cũng không làm chủ được lượng kiến thức từ sách. Đọc sách hóa vô ích.
Lời khuyên: Xác định mục đích đọc sách của mình. Ghi chép khi đọc sách.
Số lượng hơn chất lượng
Bạn muốn thể hiện mình là người tri thức qua việc đọc sách. Bạn có thể kể tên hàng trăm tựa sách hay ho nhưng khi người khác hỏi bạn sâu hơn về cuốn sách đó, bạn chẳng phát biểu được gì. Bạn cũng không áp dụng được những kiến thức từ sách vào đời sống. Đó là thói quen coi trọng số lượng sách hơn chất lượng.
Lời khuyên: Đọc sách có chừng mực. Tập tổng kết, đánh giá sách sau mỗi lần đọc để xem khả năng hiểu của mình, sau đó đối chiếu với những bài tổng kết của mọi người để biết mình có bỏ lỡ điều gì không.
Cả tin
Bất cứ điều gì tác giả nêu ra trong sách bạn cũng răm rắp nghe theo, làm theo mà không chứng thực lại điều đó có thật hay không cũng là một thói quen đọc sách không tốt.
Một tác giả từng bị chê “ngụy khoa học” là Masaru Emoto. Trong cuốn sách Bí mật của nước, ông đã nói rằng thí nghiệm của ông cho thấy nước cũng có cảm xúc như con người. Nhưng chính ông lại từ chối tham gia làm lại thí nghiệm đó trong cùng điều kiện, mặc dù tiền thưởng là 1 triệu USD nếu thí nghiệm đúng như những gì ông tự nghiên cứu.
Lời khuyên: Rèn luyện tư duy phản biện khi đọc sách để phân tích, đánh giá, chọn lọc được thông tin chính xác và khách quan hơn.
Bóc ngắn cắn dài
Đây là những người có tư tưởng “đầu tư thì ít nhưng mong đợi thì nhiều”. Bạn không thể trông mong sự thay đổi sau một đêm chỉ với việc đọc một cuốn sách. Kiến thức phải được tích lũy dần theo năm tháng.
Lời khuyên: Đặt mục tiêu và kiên trì đọc sách mỗi ngày.
Tiền mất tật mang
Nhiều người có thói quen đọc sách rẻ, vì tiết kiệm. Tuy nhiên, có thể chúng là những cuốn sách giả, sách lậu vẫn tràn lan trên thị trường. Không những gây thiệt hại lớn về kinh tế cho nhà xuất bản, nhà in mà còn là mối nguy hại trong việc tiếp thu những kiến thức đúng đắn của mọi người. Những cuốn sách bị lỗi, không chuẩn kiến thức cũng sẽ làm sai lệch vốn hiểu biết của bạn.
Lời khuyên: Chọn đọc sách từ những nơi uy tín. Không vì thấy giá rẻ mà vội mua sách ngay.
Một nghề không chín còn mong chín nghề
Bạn có thói quen đọc sách theo chiều ngang, nghĩa là mỗi cuốn sách của bạn là một thể loại, một chủ đề khác nhau. Đây không hẳn là một thói quen xấu khi việc đa dạng kiến thức là một điều tốt, tuy nhiên bạn sẽ không thật sự hiểu rõ chuyên môn nào cả.
Bạn muốn trở thành chuyên gia bán hàng xuất sắc nhưng bạn đọc sách về đầu tư chứng khoán, đọc sách truyền động lực, đọc ngôn tình, truyện tranh, sách tâm linh… thay vì đào sâu và tập trung vào các khía cạnh khác của bán hàng như kỹ năng thuyết phục, đàm phán, bán hàng qua điện thoại, chăm sóc khách hàng.
Lời khuyên: Chọn một chủ đề mình thích và tập trung vào nó. Đọc sách theo chiều dọc.
Trên đây là những thói quen đọc sách làm bạn cứ mãi dậm chân tại chỗ. Bạn có đang mắc phải những sai lầm nào trong việc tiếp thu tri thức nhân loại về mình không. Nếu có, hãy tỉnh táo và sửa chữa để nhanh chóng biến sách thành những công cụ hỗ trợ phát triển bản thân nhé. Chúc bạn tạo lập được một thói quen đúng đắn.
Bạn có thể đọc thêm các bài viết cùng chủ đề khác tại đây.
Lá Đa
Tags: #cách đọc sách #sách dành cho giới trẻ #thích đọc sách #thói quen đọc sách