“Đại dương cuối đường làng” – Phép màu không đến từ cây đũa phép mà nó đến từ những ký ức sơ khai của một đứa trẻ về đại dương kỳ lạ.
Với tựa đề của cuốn sách, bạn sẽ cảm thấy gì? Một chút mâu thuẫn, hay có gì đó hình như sai? Bạn đã bao giờ thấy một đường làng thô sơ, lại dẫn ra một đại dương bao la rộng lớn chưa? Đó chính là điểm nhấn của cuốn sách: “đại dương” ấy thực chất chỉ là cái ao vịt bé nhỏ. Nhưng ẩn sau trong đó lại là câu chuyện đầy phép thuật về gia đình Hempstock, về những cái chết, về con yêu quái hay đơn giản chỉ là cách nói ẩn dụ về sự trưởng thành của các nhân vật.
Nhân vật chính trong truyện không tiết lộ tên, chỉ được biết đến với cái gọi “tôi”. Hồi còn bé, cậu sống bình thường như bao đứa trẻ khác trong làng. Cho đến khi cậu gặp Lettie Hempstock, một cô bé hơn cậu hai tuổi. Điều kỳ lạ là cô bé có thể rành rọt mọi thứ của ngôi làng hơn bất kỳ người già nào. Và hình như, Lettie còn biết phép thuật.

Câu chuyện bắt nguồn từ cái chết của người đàn ông thợ mỏ mắt mèo. Từ đó nổ ra bao sự kiện kì lạ và dẫn đường cho một con “yêu quái” đến đảo lộn cuộc sống bình thường của ngôi làng. Ả yêu quái Ursula Monkton đội lốt trong một cô gái xinh đẹp. Cô ả lấy được lòng tin của mọi người, từ cha mẹ đến em gái của nhân vật “tôi”.
Cách mà “Ursula Monkton” manh nha đến cuộc sống này đó là qua những đồng xu. Khi Lettie bắt ả ta dừng hành động này lại, hãy trở về nơi thuộc về ả, Ursula Monkton ngoan cố và dữ dằn. Thậm chí ả ta còn biến mình thành con sâu chui vào chân cậu bé, chính thức xâm nhập vào cuộc sống hiện, khuấy đảo nó lên và gây ra nhiều cái chết.

Thế nhưng, nghĩ đi nghĩ lại Ursula Monkton là một phép thử lòng. Ả ta đẹp lộng lẫy và nhanh chóng lấy được cảm tình người khác, nhưng thực chất lại độc ác và gây hại cho người. Cũng giống như bất kỳ thứ gì trên thế giới, khi nó quá đẹp và thu hút bạn nhanh chóng, bạn càng phải cẩn thận với nó.
Mặc dù “Đại dương cuối đường làng” là truyện giả tưởng nhưng đôi cánh của nó không chỉ mãi bay bổng trên bầu trời huyền ảo mà lại hạ đất với những trị sâu sắc về lòng người, về những ý chí và kiên định của con người khi đối mặt với những thứ xấu xa trong tâm khảm mình. Chúng ta không thể bị điều xấu dẫn dắt, làm mù quáng chỉ vì những thú vui mà nó mang lại, hãy đấu tranh để được sống tự chủ và sống một cuộc đời không làm nô lệ của cám dỗ.

Neil Gaiman vẫn giữ vững phong độ với một giọng văn trầm, huyền ảo hơi hướm u ám. Mở đầu truyện, nhân vật chính đã ngoài bốn mươi, trưởng thành và khôn lớn trong bộ comple trở về quê nhà. Tôi đã tưởng chừng cuốn sách này Neil Gaiman không còn viết cho trẻ con như Coraline nữa. Nhưng không! Xuyên suốt mạch truyện, tôi lại chẳng tìm thấy bóng hình của người đàn ông tứ tuần kia, mà thay vào đó lại là hồi tưởng của một đứa trẻ. Và rồi tôi nhận ra, phần cuối tác giả đã viết một câu:
“Thật ra thì không có người lớn nào hết. Không một ai, trên khắp thế giới rộng lớn này.”
Vậy là quả thật, những câu chuyện phép màu không chỉ dành cho trẻ con. Ngay cả người lớn đôi khi cũng luôn mân mê, hoài tưởng về những thứ phép màu mà cả thời thơ ấu mình đã từng theo đuổi.
XEM THÊM BÀI VIẾT REVIEW SÁCH
XEM THÊM BÀI VIẾT CHUYÊN MỤC KHÁC CỦA THÍCH SÁCH