Ra mắt bạn đọc năm 2011, Đội gạo lên chùa của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh bao quát khoảng thời gian từ Pháp chiếm đóng, cướp chính quyền, chiến tranh Pháp – Việt, Hòa bình năm 1954, cải cách ruộng đất, cuộc kháng chiến chống Mỹ đến sau hòa bình.
Đạo Phật gắn liền cùng con người
Xen giữa ngôi kể thứ ba và ngôi kể thứ nhất là nhiều câu chuyện về số phận các nhân vật. Họ là nhà chân tu như sư thầy Vô Úy, nhà sư hoàn tục đi theo cách mạng Vô Trần, người nguyện suốt đời bảo vệ Phật pháp sư bác Khoan Độ. Đó là cuộc đời của Nguyệt, bà Nấm, thầy giáo Hải, gia đình chị Thì, anh Lẫm, bố con ông Xuân. Hay cái duyên đến với đạo thiền của An rồi trở thành người lính trong trung đoàn đi B, trung đội trưởng Trắm, những người bạn trong “tổ tam tam”, Huệ, Rêu, … Tác phẩm cũng nhắc tới nhiều con người có mối liên quan tới ngôi làng sọ như chánh Long, bá Phượng, quản Mật, bà Bệu, bà Thêu, Berna Matinot, … Ở hoàn cảnh nào, cái thiện, tâm nhà Phật vẫn là cốt lõi ở con người. Tâm từ đã giúp sư Vô Úy vượt qua được tàn khốc nhất của thời cuộc, Thúc Vô Trần tìm thấy ở đạo Phật và cách mạng lí tưởng cao thượng, sư bác lại được xây dựng như con người “khẩu xà tâm Phật”, người lính, sự hy sinh, tình yêu, lý tưởng là điều mà nhà văn đề cập tới qua đơn vị tân binh. Cái ác, trong những hoàn cảnh khốc liệt nhất đã hiện lên hết sức lạnh lùng. Chỉ có ánh sáng mới giúp con người chiến thắng mọi nghịch cảnh.

Không gian quen thuộc của đất nước
Nguyễn Xuân Khánh cho ta bắt gặp nông thôn Việt Nam trong quá khứ và chưa xa, ngôi chùa, hàng cau, con sông, đồng lúa vàng vào vụ gặt… Tác giả gợi không khí Hà Nội xa xưa qua phố cổ, ngôi chùa, xe điện, Hà Nội trước ngày giành chính quyền, những xóm nghèo, ống cống thành phố, không gian thành phố. Tác phẩm Đội gạo lên chùa, đưa đến khung cảnh nhiều vùng quê các tỉnh phía Bắc vào thời kì giặc Mĩ xâm lược nước ta. Đơn vị toàn những tân binh tập luyện tại một ngôi làng gần đồi dẻ. Con đường rơm đầy nắng. Hoa dẻ mỏng manh thơm ngào ngạt. Cảnh An và Tiến đi nghỉ phép trước khi vào chiến trường được miêu tả rất hay. Không gian miền quê phía Bắc vào những ngày máy bay Mĩ ném bom hiện lên như những thước phim. An đi nhờ xe ô tô tới thăm Huệ. Tiến lại khác. Anh mượn được chiếc xe đạp, anh vứt xe đạp chạy ra bờ ruộng tránh bom. Máy bay bà già lượn trên cao. Nắng và không khí như nhảy múa. Tiến và người bạn đường nằm dưới gốc cây xà cừ. Tất cả đều rất thực như ta đã từng có những trải nghiệm trong cuộc sống. Ở đây, bối cảnh mà tác giả nói tới là hiện thực chứ không còn là trang sách nữa. Không gian miền Bắc những năm chống Mĩ còn được miêu tả cụ thể trong cảnh Mai tiễn Tiến trên bờ biển. Họ vẫn yêu nhau dù trên trời pháo sáng đe dọa.

Tác phẩm của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh cho ta bắt gặp dân tộc mình, cha ông mình, mà ở đó, mỗi cuộc đời, mỗi số phận đều để lại cho ta cái nhìn khách quan hơn khi soi chiếu vào cuộc sống hôm nay.
Thanh
XEM THÊM BÀI VIẾT REVIEW SÁCH
XEM THÊM BÀI VIẾT CHUYÊN MỤC KHÁC CỦA THÍCH SÁCH