Tôi đi lạc vào ‘Phố’, hay phố nhà binh
Tôi cũng đã kiên trì đến tầm khoảng 50 trang giấy, và đúng như tựa đề của cuốn sách, tôi đi lạc vào ‘Phố’, hay phố nhà binh. Phố của những những gia đình chiến sĩ cách mạng vừa bước ra khỏi cuộc chiến đẫm máu trên cái mảnh đất mẹ khốn khổ của họ (và dĩ nhiên là của tôi nữa). Đất nước đang đổ máu đau thương bỗng chốc ngơ ngác trước thời bình ấy dĩ nhiên cũng khiến cho những người lính năm xưa bối rối, loạng choạng tìm cho mình cách kiếm sống, đứng lên sau chiến tranh.

Con phố ấy có gia đình của anh thủ trưởng Nam và Thảo (cô bác sĩ quân y từng khiến nhiều người say mê) và cả đứa con gái Niên Thảo đáng yêu của họ nữa. Họ phải sống chắt bóp, chi li từng đồng còm để có bữa ăn cũng có gọi là tàm tạm. Con phố ấy có anh đạo diễn Nguyễn Trọng Bình luôn ấp ủ niềm mơ ước được làm ra một bộ phim về phố nhà binh, về chiến tranh, cái thế giới mà linh hồn anh đã luôn ở đó cho đến bây giờ. Con phố ấy có anh Lãm (trước cũng là một người lính) và vợ cùng đứa con hai tháng tuổi nheo nhóc sống trong một túp lều trên vỉa hè, cứ vài hôm là lại bị anh công an trật tự đến đuổi. Và còn nhiều cảnh đời nữa trên con phố ấy tôi không tiện nói hết, nhưng cô bán hàng nước (người tự nhận mình giảng viên Đại-học-Pháp-Lý) đều rõ và thấu cho các cảnh đời trên Phố.
Phố là chuyện của nhiều câu chuyện đan xen và tôi cũng không tiện kể hết, nhưng tôi muốn nói về nhân vật tôi yêu mến trong câu chuyện này, và cả xót xa cho anh nữa – anh Lãm. Anh kiên cường lắm, lì và bướng lắm, anh sẵn sàng bỏ nhà bỏ cửa của mình để cùng vợ con sống cảnh màn trời chiếu đất, có gì ăn nấy, làm gì được nấy, không cướp của ai, và cũng chẳng ai cướp được của anh. Anh ở trong hoàn cảnh nghèo nhưng không hèn. Có một lần, cô vợ anh đến nhà anh thủ trưởng Nam và đã ăn cắp hết toàn bộ đồ đạc có giá trị và tiền mặt. Ngay sáng hôm sau, anh đã phải xách cô vợ lên gặp thủ trưởng cũ và trả lại toàn bộ số tiền. Rồi anh đi đào đá đỏ, một mình anh gan góc ở trên đồi tử, nơi đã có trên 20 người bị thiệt mạng vì đào đá. Khi có kẻ đến địch chiếm hữu nơi này và đánh vào đầu anh, anh lì lợm ở lại và gầm lên như một con thú dữ khiến kẻ mặt mày bặm trợn kia cũng phải thoái lui.
Lãm thích mía từ bé, anh đã trở thành người thu mua và phân phát mía cho tất cả các quán nước mía ở Hà Nội. Với sự cẩn thận, nhanh nhẹn, và cả cách nói thẳng thắn, bộc trực, sòng phẳng, chủ các quán nước phải nể sợ anh. Rồi dần dần, sau khi có vốn liếng bằng việc đi buôn thuốc lào, anh đã có một cơ sở mía đường bậc nhất. Gia đình anh không phải cầu bất cầu bơ ngoài đường ngoài ngõ nữa. Vui hơn nữa, bố của Lãm đã chấp nhận gia đình anh và gia đình được đoàn tụ.

Phố đã khác trước nhiều. Với sự đô thị hóa nhanh đến chóng mặt, con đường đã thay da đổi thịt, và con người cũng đổi thay. Lãm hay tin Thảo – người vợ đi nước ngoài mới về nước của anh thủ trưởng Nam đã vụng trộm với một người đàn ông khác, mà người này lại là bạn cùng chiến trận với anh Nam. Lãm đã thẳng thắn khuyên nhủ và nói người đàn ông kia là đồ hèn. Rồi anh lại hay tin hai người rủ nhau đến Sầm Sơn. Anh điên dại nhảy lên con xe phân khối lớn đuổi bắt cặp tình nhân đó và cuối cùng anh đã thấy họ đang trầm mình tự vẫn cùng nhau. Anh nhảy xuống biển, và người ta đã tìm thấy hai người chết, một người được cứu sống. Anh Lãm và Thảo đã chết. Còn người đàn ông kia sống mà chẳng bằng chết.
Tôi không biết trong khoảnh khắc nhảy xuống biển đó Lãm đã nghĩ gì. Anh có sợ hay không? Nhưng tôi tin anh muốn cứu cả hai người họ, nếu cứu được họ rồi, anh sẽ chửi, sẽ đánh, sẽ nguyền rủa họ bằng cá tính mạnh mẽ nghĩ gì nói nấy của mình. Người lính như anh, cả đời nghĩ cho vợ cho con, cho bạn bè mà chẳng hề nghĩ đến mình chút nào. Một người tốt đến mức nếu là tôi, chắc tôi không dám đánh bạn với anh mà chỉ khâm phục trên các trang truyện của Phố mà thôi.
Tôi chợt nhớ đến lời bài hát của Dương Trường Giang: “Người giật mình nơi cuối phố, gạt nước mắt rơi nơi mùa đi ngang phố năm nào. Rồi xa rất xa như lá bay không về.” Phố chẳng còn được nguyên vẹn như xưa nữa, có những người đã mãi xa con phố nhà binh này rồi, con phố này thấm đẫm nước mắt, xót xa, mất mát. Rồi ai có biết, mà biết để làm gì. Ai cũng có nỗi đau giấu ngược vào trong để mà về đêm, tất cả những nhân vật trong truyện ‘Phố’ sẽ cùng nhìn lại thật sâu vào tâm hồn mình, nơi chỉ còn họ với họ mà thôi.
Đọc thêm:
Bạn có thể khám phá những cuốn sách hay tại REVIEW SÁCH