Một cuốn sách hay về tuổi trẻ không phải là cuốn sách cho bạn biết tuổi trẻ là gì mà cuốn sách ấy cho bạn sống lại những giây phút tuổi trẻ nhiều lần và cho bạn hiểu “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?”. Và cuốn sách “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?” của tác giả Rosie Nguyễn là một cuốn sách như thế.
“Một vài người nói họ chỉ sống có một lần trong đời. Đó là vì họ đã không đọc sách”. Giới trẻ bây giờ rất hay than van về việc tuổi trẻ của mình trôi đi và tiêu tốn thời gian vào những trò vô bổ mà lãng quên đi sách – người bạn tri thức, kĩ năng đồng hành cùng mình suốt cả một thời thanh xuân.
Có một người chị nói với tôi rằng tôi thật may mắn đọc được “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?” khi còn ở tuổi 20, còn chị đọc xong cuốn sách cảm thấy vô cùng tiếc nuối vì lúc này đã sang tuổi 28.
Thật vậy các bạn ạ! Đây là tác phẩm mà bất kì người trẻ nào cũng nên đọc ít nhất một lần. Bởi cuốn sách chứa đựng những bài học không thể bổ ích hơn cho ai đang cảm thấy bế tắc trong việc tìm ra hướng đi cho bản thân, giúp người trẻ hiểu hơn về chính mình và tự tin hơn trên con đường mình lựa chọn. Khép lại những trang cuối cùng của cuốn sách, tôi biết mình đã được “một bữa no”.
Sau thành công vang dội từ “Ta ba lô trên đất Á”, tác giả trẻ Rosie Nguyễn tiếp tục ghi dấu ấn trong lòng người đọc với “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?”. Bằng giọng văn nhẹ nhàng và sự chia sẻ mang tính tâm tình dễ mến, tác giả đã tự nhận rằng cuốn sách này là câu chuyện của một người đã sắp đi qua thời tuổi trẻ của mình về việc làm thế nào để sử dụng tuổi trẻ một cách tốt nhất.
Như vậy Rosie Nguyễn vẫn còn là người trẻ, người trẻ đã mang nhiều kinh nghiệm, vừa trưởng thành nhưng cũng rất gần gũi và dễ truyền đạt thông điệp với bất cứ một người trẻ nào khác. Điều này làm cho cuốn sách của cô mang nhiều thú vị.

Sách được kết cấu thành năm phần:
Phần một – Tôi đã học như thế nào;
Phần hai – Học đi đôi với hành;
Phần ba – Đi là một cách tự học;
Phần bốn – Lấp lánh trước khi tỏa sáng;
Phần năm – Quà tặng kèm.
Nếu việc phát triển bản thân được gói gọn trong ba động từ học, làm và đi thì phần một cho ta thấy được đâu là cách học của tác giả. Phần hai lại thôi thúc các bạn trẻ đã học thì phải làm, phải hạnh động. Hành động bằng cách tự hiểu bản thân, tự khám phá tìm năng của chính mình và hành động vì điều mà bản thân muốn hướng đến. Phần ba là công đoạn hoàn tất một quá trình rèn luyện cho người trẻ. Hãy đi đi, với những gì đã được học, được làm, hãy dang rộng đôi cánh và thực hiện hoài bão.
Trên con đường ấy hãy nhớ dù vấp ngã cũng không được lùi bước. Khai phá đam mê và tỏa sáng là những gì mà phần bốn muốn truyền tải. Đam mê hòa chung với tri thức và kĩ năng là chìa khóa thành công cho những người trẻ. Phần năm là nét chấm phá cho một cái kết tuyệt vời khi những kinh nghiệm, mẹo nho nhỏ của bản thân tác giả gửi gắm vào từng câu chữ hết sức chân thành như một lời cảm ơn vì đã đọc cuốn sách.

Toàn bộ tác phẩm gói gọn trong 285 trang sách nhưng lại mang những thông điệp và bài học hết sức lớn lao. Đọc cuốn sách có những người sẽ giật mình nhận ra trước giờ quá phí hoài tuổi trẻ. Cũng có người tiếc nuối khi cầm cuốn sách ở lứa tuổi trung niên. Còn với tôi cuốn sách là quyển bí kiếp cho tuổi trẻ.
Từ nay tôi biết rằng tuổi trẻ là vô giá, tôi sẽ có những cách thức tốt nhất biến tuổi trẻ thành công cụ đắc lực xây dựng tương lai. Đặc biệt hơn, tôi đã có cái nhìn khác hơn về đọc sách, có phương pháp đọc cụ thể và rõ ràng. Không quá khi nói rằng tình yêu với sách của tôi thật sự được khơi dậy từ “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?”.
Bạn có nhiều sự lựa chọn cho tủ sách của mình, nhưng nếu là một người trẻ, không đọc “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?” quả là một điều đáng tiếc.
Xem thêm: