Bạn hiểu như thế nào về câu nói “Nóng giận là bản năng, tĩnh lặng là bản lĩnh”
“Nghĩ hoa nở, hoa sẽ nở,
Nghĩ hoa tàn, hoa sẽ tàn,
Biết đường buông bỏ, sẽ rảnh rang.”
Đời người xưa nay vốn được ví như “bể khổ” vì những chông gai, thử thách. Có những người bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh, bị chi phối bởi danh – lợi – tiền – tài mà dễ dàng dao động, đứng ngồi không yên, dễ nóng giận dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc. Nhưng cũng có những người dù khó khăn, gian khổ thế nào cũng vẫn cứ tĩnh tại, ung dung. Là bởi vì họ tu tập được cho mình một cái tâm tĩnh lặng nên trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng đều có thể cương cường, mạnh mẽ đầy trí tuệ.
Vậy, làm thế nào mới có thể tu tập được cái bản lĩnh ấy?

Cuốn sách “Nóng giận là bản năng, tĩnh lặng là bản lĩnh” sẽ giúp chúng ta có một cái nhìn thấu đáo nhất, cung cấp những kỹ năng cần thiết để kiềm chế cơn nóng giận, kìm hãm phần bản năng trong mỗi người, để giúp ta có một nội tâm mạnh mẽ, vững vàng chạm đến những thành công, hạnh phúc trong cuộc sống.
Cuốn sách của tác giả Tống Mặc, do Hà Giang dịch bao gồm 9 phần, là tập hợp những bài học, những lời tâm sự về nhân sinh, luận về cuộc đời, những phân tích đắt giá từ các vị thiền sư nổi tiếng. Đặc biệt, xuyên suốt là những câu chuyện về đại sư Hoằng Nhất – một nghệ thuật gia nổi tiếng tài hoa, quyết buông bỏ mọi trần tục về quy y cửa Phật, người được mệnh danh tinh thông kim cổ và có tầm ảnh hưởng lớn trong Phật giáo.
XEM THÊM: REVIEW NHÀ GIẢ KIM ĐẾN ĐÂY TÔI SẼ TRUYỀN CẢM HỨNG CHO BẠN
Để có được nội tâm “tĩnh lặng”, trước tiên, phải học cách từ bỏ ham muốn và tu dưỡng được sự điềm đạm.
Là phải đề cao sự tiết kiệm về thực phẩm, y phục. Biết thế nào là đủ, biết trân trọng lao động, thay vì lãng phí, lười nhác, ích kỷ.
Là biết bình tĩnh ôn hòa, biết buông bỏ, nhẫn nhịn và khoan dung. Càng học được cách buông bỏ, càng cảm thấy nhẹ nhõm và hạnh phúc.
Là hãy quay về nội tại của bản thân, học tu tâm dưỡng tính, coi nhẹ những phiều nhiễu của hồng trần, học cách quét rác trong lòng mỗi ngày.
Là nên từ bỏ sự cố chấp, đề cao lòng nhân đạo và tình yêu thương mọi người như yêu thương chính mình. Học cách biết ơn với người xung quanh, với vạn vật để chúng ta có thêm những năng lượng tích cực, giúp cho cuộc sống trọn vẹn niềm vui, an yên, thanh thản.

Tóm lại, để tu tập được nội tâm tĩnh lặng chính là cần từ bỏ “tam độc” – tham, sân, si. Bớt một phần ham muốn, bớt môt phần tranh chấp, bớt một phần mê muội. Đổi lại thêm một phần tự do, thêm một phần ung dung, thêm một phần tĩnh tâm.
“Cuộc sống chỉ có một con đường nhất định không thể lựa chọn, đó là từ bỏ. Cuộc sống cũng chỉ có một con đường nhất định không thể cự tuyệt, đó là trưởng thành. Vĩ nhân sở dĩ vĩ đại là vì bọn họ so với người khác khi cùng lâm vào nghịch cảnh, người khác mất tự tin, còn họ vẫn quyết tâm để hướng tới mục tiêu của mình.”
Với thiết kế nhỏ gọn, trang trí bìa sách theo phong cách thư pháp cổ điển kết hợp tông màu nâu trầm, xanh nhạt, mang đến cảm giác hài hòa, nhẹ nhàng. Đây cũng là một điểm cộng về hình thức cho cuốn sách này.
Cuốn sách giống như một làn nước trong vắt, nhẹ nhàng len lỏi, tưới mát tâm hồn của mỗi người, đưa ta đến những tư duy tích cực và tu dưỡng một lối sống đẹp. Hy vọng mỗi độc giả đều sẽ tìm được cho mình những bài học, những chiêm nghiệm sâu sắc để có thể vững vàng hơn trong cuộc sống.
XEM THÊM CÁC BÀI VIẾT HAY TẠI ĐÂY